Ung thư dạ dày là ung thư ác tính xuất phát từ bên trong dạ dày. Theo thống kê trên thế giới, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong số các trường hợp tử vong vì ung thư ở cả nam và nữ.
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Hiện nay người ta vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư dạ dày, nhưng có một số yếu tố được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này như:
- Ăn nhiều thực phẩm hun khói và mặn
- Chế độ ăn ít trái cây và rau quả
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori - một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc của dạ dày
- Viêm dạ dày mạn tính (tình trạng viêm dạ dày trong thời thời gian kéo dài)
- Thiếu máu ác tính, đó là sự sụt giảm các tế bào hồng cầu xảy ra khi ruột không thể hấp thụ vitamin B12 như bình thường
- Hút thuốc lá
Dấu hiệu & Triệu chứng
Ung thư dạ dày thường có ít triệu chứng biểu hiện cụ thể, và nếu ở giai đoạn sớm thì nó không có biểu hiện nào. Vì vậy bệnh rất khó phát hiện.
Bệnh nhân có thể ăn không ngon, sụt cân không rõ nguyên nhân và đau bụng mạn tính. Tuy nhiên, đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa (đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên) là triệu chứng rất phổ biến và là dấu hiệu chung của các bệnh thông thường ở đường tiêu hóa như trào ngược a-xít thoặc viêm dạ dày. Do vậy, nhiều người, ngay cả với bác sĩ, có thể không nghi ngờ ngay lập các dấu hiệu đó là ung thư dạ dày. Đây là lý do tại sao ung thư thường được phát hiện muộn. Một số triệu chứng ít phổ biến của ung thư dạ dày thường có xu hướng phát ra ở giai đoạn bệnh chuyển biến nặng như nôn mửa và đi ngoài phân có màu đen – dấu hiệu của xuất huyết dạ dày.
Chẩn đoán – đánh giá
Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư dạ dày bao gồm:
Nội soi dạ dày – Đây là xét nghiệm thường được thực hiện trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Khi thực hiện, bác sĩ đặt một ống nội soi (một soi mềm dài có gắn camera và đèn ở đầu ống) sẽ được xuống dạ dày thông qua đường miệng. Ống soi sẽ cho phép bác sĩ quan sát bên trong dạ dày.
Chuẩn đoán Ung thư dạ dày
- Sinh thiết – Xét nghiệm này được thực hiện trong quá trình nội soi dạ dày. Khi sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ ở những vị trí trông có vẻ bất thường trong dạ dày, và sau đó mô này sẽ được đem đi xét nghiệm.
-Chẩn đoán hình ảnh của dạ dày – Các hình thức chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính – CT scan và siêu âm sẽ giúp bác sĩ tìm hiểu xem ung thư đã lan ra các bộ phận khác trong cơ thể hay chưa.
Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem bạn có nhiễm nhiễm khuẩn Helicobacter pylori hay không. Xét nghiệm này có thể được thực hiện bằng nhiều cách như kiểm tra hơi thở, xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác.
Điều trị & Chăm sóc
Ung thư dạ dày thường được điều trị bằng một hoặc nhiều phương pháp sau đây:
Phẫu thuật
Đây là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị ung thư dạ dày. Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Với một số bệnh nhân bị ung thư dạ dày nặng không thể điều trị khỏi, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để giảm bớt các biến chứng của bệnh ung thư chẳng hạn như tắc nghẽn dạ dày hoặc khối bướu bị xuất huyết.
Xạ trị
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân kết hợp xạ trị với hóa trị để tiêu diệt tàn dư rất nhỏ của ung thư còn sót lại mà không thể nhìn thấy và loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Ở những bệnh nhân ung thư dạ dày nặng, xạ trị có thể hữu ích trong việc giải quyết tắc nghẽn dạ dày. Xạ trị cũng có thể được áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng xuất huyết khi không thể phẫu thuật được.
Hóa trị
Hóa trị là sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước của khối bướu. Bệnh nhân có thể được áp dụng hóa trị đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được áp dụng để làm giảm các triệu chứng hoặc kéo dài sự sống cho những bệnh nhân bị ung thư dạ dày nặng không thể phẫu thuật được.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Phương pháp này sử dụng các loại thuốc ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và lan rộng. Các loại thuốc sẽ theo đường máu vá tác động lên các tê bào ung thư trong khắp cơ thể.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư dạ dày?
Mặc dù chưa xác định được các nguyên nhân chính xác gây ung thư dạ dày, nhung chúng ta có thể hạn chế được nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Trong thực tế, ở các nước phát triển, từ khi có tủ lạnh để dự trữ thực phẩm tươi thay thế việc muối thực phẩm đã cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày giảm đáng kể trong những năm qua.
Và đây là những điều mà bạn nên làm để hạn chế nguy cơ bị ung thư dạ dày:
- Ăn nhiều trái cây và rau quả
- Giảm ăn các thực phẩm hun khói và muối
- Không hút thuốc lá
- Biết tiền sử bệnh lý của bạn và làm nội soi dạ dày định kỳ nếu bạn có tiền sử nhiễm khuẩn Helicobacter pylori