Càng ngày số lượng người bị Gout càng ngày càng tăng lên. Gout trở thành một căn bệnh hiện đại vô cùng phổ biến, gây không ít khó khăn và ảnh hưởng to lớn tới đời sống và sinh hoạt của người mắc bệnh.
Vậy điều trị nó như thế nào?
Điều trị cơn Gout cấp
Hậu quả của cơn Gout cấp chính là gây ra viêm khớp cấp do vậy chúng ta phải dùng những nhóm thuốc chủ yếu là chống viêm, giảm đau như:
+ Nhóm thuốc chống viêm không steroid: Thuốc thường dùng là Diclofenac ống 75 mg, tiêm bắp sâu 1-2 ống/ngày, tiêm 2-3 ngày sau đó dùng sang thuốc uống (như Meloxicam 7,5 mg, piroxicam 20mg…) hoặc Felden 20 mg ống tiêm bắp 1-2 ống/ngày x 3 ngày.
+ Colchicin: Đây là là thuốc được lựa chọn hàng đầu điều trị cơn Gout cấp, do tác dụng chống viêm chọn lọc của thuốc này mà nhiều năm nay vẫn ưa chuộng, thuốc được chỉ định dùng ngay trong 12-36 giờ đầu của cơn Gout cấp, liều dùng cần tư vấn của bác sĩ chuyên khoa do tác dụng phụ của thuốc có thể gây ỉa chảy, buồn nôn, và có nguy cơ suy gan, suy thận, suy tủy xương …
+ Nhóm thuốc Corticosteroid: Ít được sử dụng do tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên có thể sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt: Ở những bệnh nhân viêm nhiều khớp cùng một lúc, không đáp ứng với colchicin và thuốc chống viêm không steroid hoặc sử dụng một số chế phẩm tiêm nội khớp bị viêm.
+ Một số thuốc giảm đau khác như: Paracetamol( Efferalgan, Efferalgan-codein…), bệnh nhân có thể dùng muối kiềm nabica gói 5g 1-2 gói/ngày pha nước uống hoặc có thể dùng nước khoáng có kiềm nhằm kiềm hóa nước tiểu, tránh sỏi tiết niệu.
Điều trị dự phòng cơn Gout cấp
Mục đích chính là mục tiêu giảm acid uric máu, hạn chế sự lắng đọng urat trong mô và tổ chức, ngăn ngừa hình thành Gout mạn tính:
Chế độ ăn uống sinh hoạt:
Đối với bệnh nhân thừa cân và béo phì cần áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm mỡ. Chế độ ăn giảm đạm (thịt ăn không quá 150g/ngày), đặc biệt cần hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều purin như phủ tạng động vật (lòng lợn tiết canh, gan, thận, óc, dạ dày, lưỡi)…các loại thịt có màu đỏ và các loại hải sản.
Kiêng rượu bia và các chất kích thích như ớt, cà phê, hạt tiêu.
Uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, sữa), đặc biệt là nước khoáng có kiềm để tăng cường thải tiết acid uric qua nước tiểu. Ăn cháo, súp …
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả như xà lách, cà rốt, bắp cải, dưa chuột, dưa gang, khoai tây, cà chua, măng, rau actiso. Có thể ăn trứng, sữa và các chế phẩm phomat trắng không lên men …
Sinh hoạt điều độ, làm việc nhẹ nhàng, tránh lạnh, tránh mệt mỏi cả tinh thần và thể chất (lao động quá mức, chấn thương…). Cần tập thể dục phù hợp và duy trì liên tục như: đi bộ, bơi, cầu lông, bóng bàn, đạp xe…
- Cần tránh dùng một số thuốc có thể làm tăng acid uric máu như đã nêu ở trên.
- Thuốc dự phòng cơn Gout cấp: Colchicin, allopurinol, thiopurinol, benemid, uricozym …