Mắc bệnh tim mạch đi du lịch có an toàn? Đây là thắc mắc của không ít bệnh nhân tim mạch. Phần lớn người bệnh tim mạch vẫn có thể đi du lịch an toàn, nhưng cần lưu ý phòng ngừa những nguy cơ, nhất là khi đi máy bay hoặc đến vùng cao.
Du lịch bằng máy bay
- Không phải ai cũng có thể đi máy bay
Tỉ lệ bị nhồi máu cơ tim hoặc gặp biến cố về tim mạch trên máy bay chiếm khoảng 10-20% những tai nạn về sức khỏe. Nhìn chung, hầu hết người bệnh tim mạch đều có thể đi máy bay, ngoại trừ những trường hợp sau:
- Bị nhồi máu cơ tim, xuất viện chưa quá hai tuần.
- Được đặt stent hoặc nong mạch vành, xuất viện chưa quá hai tuần.
- Được phẫu thuật bắc cầu mạch vành, xuất viện chưa quá ba tuần.
- Đau thắt ngực không ổn định, đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc không thể lường trước.
- Bị suy tim nặng, khó kiểm soát.
- Bị rối loạn nhịp tim nặng, nhất là rối loạn nhịp thất và trên thất chưa kiểm soát được.
- Thở oxy khi cần thiết
Tuy khoang máy bay được thiết kế cung cấp đủ oxy nhưng không đạt mức như môi trường ngang mực nước biển, nên gây giảm nhẹ nồng độ oxy trong máu. Điều này có thể ảnh hưởng tới người có vấn đề về tim phổi, tuy hiếm khi xảy ra: ở người mắc bệnh mạch vành, gây đau ngực, mệt, khó thở, nặng hơn là gây nhồi máu cơ tim; gây mệt, tím ở trẻ bị tim bẩm sinh tím...
Các máy bay đều trang bị nguồn cung cấp oxy, vì vậy hãy liên hệ với tiếp viên hàng không ngay khi có triệu chứng, cần thở oxy.
Quan trọng là phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn sẽ làm tình hình xấu hơn. Ngoài ra, phần lớn máy bay còn được trang bị máy sốc điện và tiếp viên có thể cấp cứu ngưng tim ngưng thở.
- Phòng ngừa huyết khối
Đi máy bay làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở tĩnh mạch sâu, có thể do các yếu tố như máu ứ ở chân khi ngồi lâu, tiểu ít, mất nước, nồng độ oxy trong máu thấp. Nguy cơ này đặc biệt cao ở người bệnh tim mạch và người lớn tuổi. Nếu huyết khối di chuyển đến tim, phổi, não có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy nếu ở trên máy bay lâu (trên tám giờ), hành khách nên thường xuyên co duỗi chân, đứng dậy đi lại mỗi giờ, uống nhiều nước, không uống rượu.
Với người có nguy cơ cao (trên 55 tuổi, giãn tĩnh mạch chân nặng, có tiền sử thuyên tắc tĩnh mạch, suy tim, giảm chức năng co bóp của tim...), ngoài những biện pháp trên, cần mang vớ y khoa, hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng đông.
- Lưu ý cho người có gắn máy tạo nhịp hay máy khử rung
- Cần đem theo giấy chứng nhận có gắn các thiết bị máy tạo nhịp, máy khử rung... để trình bày khi bị kiểm tra bằng máy dò kim loại.
- Theo lý thuyết, máy dò kim loại có thể ảnh hưởng máy khử rung, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người có gắn máy khử rung nên đề nghị được kiểm tra bằng tay thay cho máy dò kim loại. Nếu không được, cần yêu cầu không để máy dò kim loại trên vị trí máy khử rung quá vài giây.
Du lịch đến vùng cao
Càng lên cao so với mực nước biển, không khí loãng, ít oxy hơn nên khi lên vùng cao hầu như mọi người - trên 2.500m với người sức khỏe bình thường, 1.500m với người bệnh tim mạch - sẽ cảm nhận những thay đổi như khó thở khi gắng sức, tiểu nhiều, nhức đầu, thở nhanh...
Những triệu chứng này sẽ mất đi nếu thích nghi được, nhưng ở những người sức khỏe không tốt có thể diễn tiến nặng hơn, phù phổi, phù não do độ cao, rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tim mạch cần lưu ý:
- Không đến vùng cao trên 1.500m, cũng như những vùng quá nóng hay quá lạnh. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đi.
- Không đi du lịch vùng cao trong vòng sáu tháng sau khi được phẫu thuật tim hay bị nhồi máu cơ tim.
- Tránh vận động nhiều ngay khi vừa lên vùng cao, cần có thời gian 1-2 ngày thích nghi với không khí loãng.
- Không dùng thức uống có chất cồn, thuốc lá, thuốc giảm đau, thuốc ngủ hoặc những thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương...
- Uống nhiều nước (trên 3 lít/ngày) để bù lượng dịch mất đi do tiểu nhiều. Mất nước là nguyên nhân chính gây mệt mỏi khi lên cao.
- Chế độ ăn nhiều năng lượng.
- Khi cảm thấy mệt, khó thở, cần nghỉ ngơi, cân nhắc việc cần điều trị y tế hoặc di chuyển xuống vùng thấp hơn.
- Cần có bạn đồng hành để giúp xử trí những tình huống khẩn cấp.
Đem thuốc và giấy tờ y tế khi du lịch
- Đem đầy đủ thuốc đang được điều trị.
- Đem theo giấy tờ y tế về bệnh lý của mình như giấy xuất viện, xét nghiệm, toa thuốc, giấy chứng nhận có gắn các thiết bị máy tạo nhịp, máy khử rung, van tim nhân tạo...
- Người bệnh mạch vành cần đem theo những xét nghiệm điện tâm đồ, nhất là những cái có kết quả bất thường. Đem theo thuốc nitroglycerine nếu có tiền sử đau thắt ngực.
- Giấy tờ và thuốc để trong hành lý xách tay nhằm tránh thất lạc và có thể sử dụng khi cần.
- Cần biết địa chỉ, số điện thoại của cơ sở y tế tại vùng sắp đến để liên lạc khi cần.