Đàn ông dưới 50 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đã tăng gấp gần sáu lần trong 20 năm qua. Nếu bạn đang ở độ tuổi dưới 50, dưới đây là 5 điều bạn nên biết về xu hướng phát triển của căn bệnh nguy hiểm này.
1. Nguy cơ từ chế độ ăn uống không lành mạnh
Hơn hai mươi nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng đó không phải tất cả.
Chiên và chế biến thực phẩm, mỡ động vật bão hòa và một chế độ ăn tăng sữa và thậm chí có thể đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh ung thư. Cũng giống như các bệnh nghiêm trọng khác, béo phì cũng là một yếu tố gây tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
2. Ngày càng trẻ hóa
Ung thư tuyến tiền liệt vốn được coi là bệnh thường xảy ra ở những người đàn ông độ tuổi 70 đến 80 tuổi. Hầu hết các khối u ung thư trong tuyến tiền liệt còn nhỏ và phát triển chậm. Trong thực tế, nhiều trường hợp tử vong vì loại ung thư này mà lại lầm tưởng vì những căn bệnh khác.
Những người trẻ dưới 50 tuổi thường không chú trọng đến việc xét nghiệm PSA và khám trực tràng. Xét nghiệm PSA đo mức kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt (PSA) trong máu. Đó là xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh về tuyến tiền liệt. PSA là một loại Protein được tạo ra chủ yếu ở tuyến tiền liệt và bình thường thì trong máu có một lượng nhỏ PSA. Với nam giới có tuổi, tuyến tiền liệt to ra và mức PSA cũng tăng theo. Ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Các nhà khoa học cho rằng, ung thư tuyến tiền liệt nên được chẩn đoán ở nam giới trẻ hơn 55 tuổi để tăng hiệu quả điều trị.
3. Kiểm tra định kỳ hằng năm
Việc khám định kỳ là một thói quen tốt thể hiện một lối sống lành mạnh và cần thiết để ngăn chặn ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác. Ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh có thể điều trị khi được phát hiện kịp thời. Ở độ tuổi trên 40, thử nghiệm PSA là rất thích hợp cho bạn để bảo vệ sức khỏe.
4. Cân nhắc phương pháp điều trị
Các câu hỏi liệu đàn ông dưới 50 tuổi bị mắc loại ung thư này có cần phải phẫu thuật ngay lập tức, hoặc họ phải chờ đợi xem tình hình tiến triển của khối u như thế nào, vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học.
Trong khi ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm ở nam giới lớn tuổi. Phẫu thuật có thể gây tác dụng phụ đáng kể, chẳng hạn như khả năng rối loạn chức năng cương dương suốt đời hoặc tiểu không tự chủ kinh niên.
Đối với nam giới ở độ tuổi 30 hoặc 40, điều này có thể là một quyết định khó khăn. Cần có một sự cân nhắc kỹ lưỡng khi xác định phẫu thuật.
5. Yếu tố di truyền
Một nguyên nhân khác gây bệnh ung thư tuyến tiền liệt là yếu tố di truyền. Nếu cha, anh trai, chú hoặc ông nội bị ung thư tuyến tiền liệt, bạn hãy quan tâm nhiều hơn đến căn bệnh này vì nam giới có tiền sử gia đình về ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2-3 lần so với người thường.