Nước là thành phần tối quan trọng cho sự sống – điều đó ai cũng biết. Bạn và tôi uống nước hằng ngày tuy nhiên chuyện uống ít, uống nhiều, uống nước gì, uống ra sao không phải ai cũng hiểu đúng.
Nếu đợi đến khi khát mới uống nước thì lúc đó, nội tạng của bạn đã mất cân bằng vì đã vượt qua ngưỡng mất nước nhẹ. Nếu bị tiêu chảy, nôn, sốt cao, làm việc, vận động liên tục, đổ mồ hôi nhiều dưới cái nắng 38oC của hè này mà không được bổ sung đủ lượng nước mất đi, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước trầm trọng.
Bị mất nhiều nước sẽ khiến cơ thể dễ rơi vào 3 trạng thái nguy hiểm: chuột rút làm đau cơ bụng, cánh tay, cẳng chân, nặng hơn một chút là kiệt sức, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, và nguy hiểm nhất là đột quỵ.
Mỗi ngày bạn uống bao nhiêu nước? Trong đó, bao nhiêu là nước lọc, nước ngọt có ga và nhiều loại nước khác?
Theo một cuộc điều tra mới đây, mỗi ngày, người thành thị uống 1/3 lượng nước lọc cần thiết, 1/3 là nước ngọt, nước có gas, nước uống đóng chai, 1/3 còn lại thông qua trái cây và các loại nước khác. Như vậy liệu có tốt?
Các loại nước ngọt thường hấp dẫn thị hiếu của hầu hết mọi người vì vị ngọt, nhiều hương trái cây hấp dẫn như táo, lê, dâu, cam, chanh, trà xanh… Giá bán thì chỉ tương đương với 1 chai nước suối bình thường. Đi đâu, bạn cũng thủ sẵn một chai trà xanh, nước cam 500ml, khát thì thản nhiên uống.
Các loại nước ngọt chứa hàm lượng lớn đường, caffein, chất kích thích, hydrat cacbon (gây hưng phấn thần kinh), phosphate (đẩy nhanh lão hóa da), siro fructoza (tăng nguy cơ tiểu đường) … Sử dụng nó thường xuyên là không tốt cho sức khỏe của bạn chút nào.
Mỗi ngày, người đàn ông trưởng thành cần uống trung bình 2,5 lít nước. Tùy vào thể trạng cơ thể, hoạt động, thời tiết, bạn có thể uống 3-4 lít, nhưng không nên uống dưới 1,5 lít.
♣ Nước suối, nước lọc và nước uống đóng bình là 3 loại được nhiều người sử dụng nhất. Khi uống nước đun sôi để nguội, bạn không nên đun đi đun lại nhiều lần, và cũng không nên để quá 3 ngày vì lúc đó, các thành phần cặn đã kết tụ không có lợi cho thận. Còn đối với nước đóng chai, đóng bình, chỉ nên chọn những thương hiệu uy tín để đảm bảo vệ sinh và chất lượng.
♣ Mùa nóng, nhiều người chọn giải pháp uống nước đá, nước ướp lạnh, các loại nước ngọt, nước có gas, trà xanh đóng chai… Tất cả các loại nước này đều không tốt cho cơ thể. Thay vào đó, uống nước ấm, nước chè xanh tuy không giải quyết khát ngay tức thì nhưng nó sẽ tốt cho bạn hơn.
♣ Còn uống nhiều nước ngọt, điều đó hoàn toàn có hại cho cơ thể bạn. Ngoài calo do đường, caffein, chất tạo bọt sủi, khí gas, nước ngọt không chứa thêm bất cứ chất khoáng hay chất dinh dưỡng nào. Người uống nhiều nước ngọt đóng chai, nước có gas có nguy cơ bị mắc các bệnh tim mạch, béo phì (tăng 32 - 54%), tiểu đường, sâu răng (62%) và làm giảm 30% lượng tinh trùng so với bình thường.
♣ Làm việc nơi công sở, ngồi máy lạnh, bạn ít uống nước hẳn đi vì không có cảm giác khát. Hậu quả dẫn đến bàng quang và thận tổn thương, ê ẩm lưng, vai. Dù không khát, bạn vẫn nên uống ít nhất 5-8 ly nước/ngày để có thể đi tiểu 4-6 lần ngày.
Nước ngọt và các loại nước có gas không tốt cho sức khỏe
Chơi thể thao, bạn nên uống nước như thế nào?
Bình thường, mỗi ngày cơ thể bạn thải ra 2.600ml nước, trong đó có 100ml qua mồ hôi, 400ml qua phổi. Nhưng khi bạn vận động, lượng nước thoát ra qua 2 con đường này có thể tăng 5-10 lần trong đó có 98-99% nước, còn lại 1-2% là các chất muối vô cơ, muối urat, a-xít lactic, chất nhờn … Do đó, bạn cần uống nhiều nước hơn bình thường và uống đúng cách.
Một số người có thói quen uống nước tăng lực khi chơi và tập thể thao. Nước tăng lực chứa một hàm lượng rất lớn đường, caffeine và các chất kích thích. Vì vậy mà sau khi dùng xong, bạn luôn có cảm giác khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn mức bình thường. Tuy nhiên, cơ thể đang mệt mà uống nước tăng lực sẽ làm thần kinh căng thẳng, rối loạn nhịp tim kéo theo nguy cơ tăng huyết áp, tim đập nhanh nếu uống thường xuyên.
- Trước khi chơi 5-10 phút: uống nước đủ.
- Trong khi chơi: hạn chế uống, nếu quá khát, bạn chỉ nên uống 1-2 hớp nhỏ chống lại cảm giác không cháy cổ họng, uống nhiều sẽ làn bạn bị xóc hông, nặng bụng.
- Sau khi tập xong: nghỉ 10-15 phút chờ tim mạch hoạt động bình thường rồi mới uống nếu bạn không muốn bị tức ngực, khó thở và buồn nôn. Không nên uống ngay 1 mạch, hãy uống cầm chừng cách nhau 1 phút.
Dấu hiệu cho biết bạn đang thiếu nước trầm trọng?
Khát khô trong miệng, cổ họng, nước bọt tiết ra không đủ làm ướt răng, lưỡi, vòm họng, cơn khát ngày càng tăng lên.
Choáng váng, chóng mặt nhẹ, tim đập không đều: đó chưa hẳn là dấu hiệu của chứng máu chưa kịp vận chuyển lần não mà còn là biểu hiện của thiếu nước.
Nước tiểu có màu vàng đậm, tiểu buốt, ít hơn 6 lần/ ngày+đêm, táo bón, da khô và trong cơn sốt.