Người ta bảo thời trang đập tan thời tiết nhưng cũng đừng vì thế mà bất chấp tất cả để diện những đôi giày da đắt tiền vào mùa mưa. Sài Gòn đang vào giai đoạn những ngày mưa bập bùng. Có hôm mở mắt ra đã thấy nắng đong đầy trên mi mắt mà chỉ đâu chừng vài tiếng sau đã ủ dột mây đen. Mưa Sài Gòn không dai nhưng ào ạt, nước tràn ngập cả mấy con đường, điều này dễ khiến giày da bị mốc hỏng. Hãy đọc qua bài viết để học thêm cho mình vài mẹo bảo quản giày da đơn giản và hiệu quả nhất.
Giày da là phụ kiện không thể thiếu với phái mạnh (Ảnh: Internet)
Ngày mưa nên tránh đi giày da nhưng nếu vẫn khăng khăng không thể từ bỏ loại giày này, hoặc bất đắc dĩ bị bắt diện thì cách tốt nhất là chọn những đôi giày pha cao su có đế chống trượt hoặc các loại da bóng dễ lau. Nếu bạn là người chuyên trị giày da bởi tính chất công việc đòi hỏi hay đơn thuần bạn là fan cuồng của chúng thì không thể không chuẩn bị sẵn những accessories như dung dịch xịt chống nước, hoặc là phụ kiện bọc giày chuyên dụng cho mùa mưa. Sản phẩm này cũng giống như một chiếc áo mưa bằng cao su pha nylon, vừa vặn mà lại rất thẩm mỹ.
Đi làm vào những chiều Sài Gòn trở chứng dễ khiến giày da bị thấm nước mưa. Đầu tiên, hãy rút miếng lót giày ra và hong khô trong nhà. Sau đó dùng khăn ướt lau sạch hết lớp bùn đất rồi dùng khăn khô lau thêm lại một lần nữa. Đừng quên độn đầy giấy báo xé cục và vo thành cục nhét vào giày, điều này sẽ giúp giày được báo hút nước và không bị biến dạng. Nhớ thay giấy khoảng 2-3 lần (trong 1-2 ngày). Tuân thủ nguyên tắc không phơi giày ngoài trời nắng vì làm vậy chỉ khiến da giày bị co cứng, gây chật, da cũng có thể bị gãy hoặc rách.
Hãy xử lý giày da bị thấm nước thật khéo léo (Ảnh: Internet)
Cách này rất tốt đối với những vùng có nhiều mưa vào mùa hè, độ ẩm cao. Các bước tiến hành cụ thể như sau: đầu tiên, dùng khăn ẩm lau sạch giày, phơi ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, đợi khoảng 30 phút rồi đánh xi lên, dùng bàn chải đánh cho đến khi giày da sáng bóng. Sau đó, ta mang giày cho vào 1 túi ni lông vừa đủ dày, không bị thủng, làm sao để cho không khí trong túi thoát hết ra ngoài, cuối cùng, dùng dây buộc chặt miệng túi lại. Vậy là xong.
Nếu không dùng phương pháp dùng túi ni lông thì nên bôi một lớp mỡ (cũng có thể dùng bì lợn để thoa lên) hoặc dầu thực vật để giúp được bảo vệ khỏi bị khô và nhăn nheo. Cũng nên bỏ giấy báo vào trong để định hình dáng giày da trước khi đặt giày vào hộp giấy, cất vào nơi khô ráo. Nhờ vậy, sau thời gian dài cất giữ, giày đỡ bị khô cứng, giúp ta giữ giày được bền lâu hơn.
Theo namplus.vn