Những người bị mắc bệnh đái tháo đường thường có nhiều biến chứng. Các biến chứng mạn tính thường xuất hiện từ 10 đến 20 năm sau khi đường huyết cao rõ rệt, tuy nhiên cũng có những trường hợp biến chứng xuất hiện rất sớm.
Các biến chứng cấp tính
Nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton do đái tháo đường
Đây là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người, nguyên nhân là do thiếu insulin đã gây ra những rối loạn nặng nề trong chuyển hóa protein, lipid, cacbohydrat, là một cấp cứu nội khoa cần được theo dõi tại các khoa điều trị tích cực.
Hôn mê tăng glucose không nhiễm toan ceton (hôn mê tăng áp lực thẩm thấu)
Là tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose nặng, đường huyết tăng cao, bệnh nhân thường có biểu hiện rối loạn ý thức từ nhẹ, lơ mơ đến nặng, hôn mê. Bệnh nhân thường gặp ở những người mắc Đái tháo đường tuýp 2 trên 60 tuổi, nữ thường gặp hơn nam.
Hôn mê nhiễm toan latic
Khi nồng độ lactate máu >5,0mmol/l có ý nghĩa chẩn đoán, nếu >10mmol/l thì tiên lượng rất xấu. Trong trường hợp Đái tháo đường tuýp 2 có thiếu máu cục bộ cơ tim và sốc tim thì rất dễ xảy ra nhiễm toan latic.
Hạ glucose máu
Triệu chứng hạ glucose máu thường xảy ra khi lượng đường huyết tương chỉ còn 2,7 – 3,3 mmol/l. Tùy theo mức glucose trong huyết tương sẽ có các triệu chứng lâm sàng tương ứng. Đây là một biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và xử trí kịp thời thì sẽ để lại nhiều di chứng về thần kinh thậm chí nặng nhất là dẫn đến tử vong. Khi thấy các triệu chứng sau cần lưu ý: đói, run chân tay, vã mồ hôi, hồi hộp đánh trống ngực…
Biến chứng mạn tính
Biến chứng tim mạch ở người mắc đái tháo đường
Bệnh Đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não 1,5 – 2 lần, gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành từ 2 – 4 lần và tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới 5 – 10 lần.
Biến chứng thận
Là một trong những biến chứng thường gặp, tỷ lệ biến chứng tăng theo thời gian. Bệnh cầu thận có thể gây hội chứng thận hư, suy thận.
Biến chứng thần kinh
Phổ biến là bệnh lý thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật.
Bệnh lý bàn chân do đái tháo đường, phổ biến là loét bàn chân do hậu quả của biến chứng thần kinh, mạch máu và nhiễm trùng, làm tăng cao nguy cơ bị cắt cụt chi.
Các biến chứng khác: Người bị đái tháo đường thường nhạy cảm với tất cả các loại nhiễm khuẩn do nhiều yếu tố thuận lợi, nhiễm khuẩn thường gặp là viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm răng lợi, viêm tủy xương, viêm túi mật sinh hơi, nhiễm nấm…