Đồng hồ vốn là một trong những phụ kiện kinh điển, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo hoàn hảo cho nam giới. Vì vậy, hãy thật cẩn trọng trong việc lựa chọn cho mình một chiếc đồng hồ nam phù hợp không những về kích mỡ mà còn ở kiểu dáng, phong cách. Sự cân bằng và hài hòa giữa kích thước mặt đồng hồ, kích thước dây hay chất liệu của đồng hồ là một trong những yếu tố chính làm nên tổng thể chỉn chu. Nếu một trong các yếu tố này không phù hợp thì chắc chắn bạn không hề cảm thấy thoải mái và trở nên thiếu tự tin.
Số đo cổ tay là một trong những thông tin đầu tiên bạn cần nắm để giúp bạn khoanh vùng được phong cách và mẫu mã đồng hồ phù hợp trước khi ướm thử. Hơn nữa nếu nắm rõ số đo cổ tay của chính mình thì bạn sẽ dễ dàng hơn khi lựa chọn loại đồng hồ phù hợp ở tiệm hoặc mua online. Ví dụ, nếu sở hữu cổ tay nhỏ và dẹp thì đồng hồ mặt mỏng với chi tiết, chất liệu kim loại sẽ là lựa chọn hợp lý cho bạn. Trong khi đó, kích thước cổ tay dày và khỏe khoắn sẽ thích hợp với một chiếc đồng hồ thể thao năng động, hiện đại.
– Số đo cổ tay để chọn đồng hồ sẽ là vị trí ngay ngang mắt cá tay. Thoạt nghe có vẻ bất hợp lý vì như vậy có thể hơi rộng hơn với vị trí bạn muốn đeo. Nhưng mấu chốt nằm ở chỗ, chúng ta không nên đeo đồng hồ ôm khít tuyệt đối, mà cần nới rộng một chút để thoải mái cử động.
– Nếu bạn không có sẵn thước dây,hãy dùng một đoạn dây hay đoạn giấy quấn một vòng sát cổ tay và đo lại đoạn đó bằng thước thẳng.
– Kết quả đo được phân ra ba loại chính: nếu cổ tay nam giới tầm 14-16cm, sẽ được phân vào loại mỏng. 17cm-18cm là cổ tay loại vừa và trên 18cm được xếp vào cổ tay dày.
Khi đo cổ tay nên đo ngay ngang mắt cá tay (Nguồn: Elleman)
Kích thước mặt đồng hồ luôn là yếu tố gây chú ý đầu tiên. Thông thường, đường kính đồng hồ nam giới thường dao động từ 38mm đến 46mm. Vì vậy, nếu chọn kích cỡ ngoài phạm vi này bạn nên cân nhắc xem nó có quá to hay quá nhỏ với tay mình không nhé. Nếu cổ tay của bạn nằm trong khoảng 14cm – 18cm, hãy chọn đồng hồ nhỏ hoặc trung bình (có đường kính 38mm, 40mm hoặc 42mm). Nếu cổ tay của bạn từ 18cm trở lên, mặt đồng hồ kích thước 44 – 46mm là lựa chọn hợp lý cho bạn.
Có một nguyên tắc đơn giản là thông số giữa đường kính mặt đồng hồ và độ dày mặt đồng hồ tỉ lệ thuận với nhau. Tức là, nếu đường kính tăng thì độ dày cũng sẽ tăng để tổng thể hòa hợp. Thông thường, đồng hồ có đường kính 38mm đến 42mm sẽ có độ dày 7mm còn loại 44mm trở lên sẽ có độ dày 9mm trở lên. Lời khuyên là không nên chọn mặt đồng hồ có độ dày lớn hơn 10mm vì chỉ số trên mức này sẽ khiến chiếc đồng hồ trở nên thô và quá khổ với tay người đeo.
Giới hạn hợp lý cho độ dày của đồng hồ là không quá 10mm (Nguồn: pinimg)
Trong các mẫu mã từ trước đến giờ luôn tồn tại một quy tắc là độ rộng dây đồng hồ sẽ bằng với bán kính mặt, bởi đây được cho là tỉ lệ đẹp và hài hòa nhất trong thiết kế. Tất nhiên, điều này không hẳn là bất di bất dịch, tuy nhiên nếu quy tắc này bị phá vỡ thì bạn nên chú ý lựa chọn cho phù hợp không quá...khác biệt!
Cùng với độ rộng dây thì chất liệu làm nên chiếc đồng hồ cũng quan trọng không kém. Chất liệu và độ rộng dây đeo sẽ liên quan mật thiết đến độ nặng của đồng hồ. Ví dụ, kim loại trông có vẻ khá dày và nặng, nên cổ tay nhỏ sẽ phù hợp với dây da hơn. Tuy nhiên, nếu sở hữu cổ tay nhỏ mà vẫn yêu thích chất liệu kim loại, bạn nên chọn loại dây kim loại mảnh để tạo cảm giác thanh lịch.
Tùy vào số đo cổ tay mà bạn chọn chất liệu đồng hồ cho phù hợp (Nguồn: dhresoure)
“Chi tiết không chỉ đơn giản là chi tiết, chúng làm nên đẳng cấp của thiết kế” – Kiến trúc sư Charles Eames. Giá trị và sự cao cấp của một chiếc đồng hồ nam giới luôn được đánh giá bởi độ tinh xảo của chi tiết trong thiết kế. Những nhấn nhá đắt giá như mặt phụ, logo hãng, chi tiết máy lộ ra hay núm vặn điều chỉnh đều là nhân tố góp phần làm nên sự thu hút của một chiếc đồng hồ. Một chút lưu nhỏ với nam giới có cổ tay nhỏ là không nên chọn đồng hồ có quá nhiều chi tiết rườm rà và rút vặn to vì như vậy sẽ khiến mất cân bằng do đồng hồ quá to so với tay.
Giá trị của một chiếc đồng hồ được đánh giá qua chi tiết (Nguồn: pinimg)
>> 4 style đồng hồ là quý ông phải biết
Nguồn: Elleman