Loãng xương thường được ngộ nhận là một bệnh của phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong thời gian qua cho rằng, đây là một sự ngộ nhận tai hại nhất.
Nam giới vẫn bị loãng xương như nữ giới (Nguồn: hellobacsi)
Trong thực tế, loãng xương ở nam giới cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Bởi nam giới thường có mật độ xương cao hơn và tỷ lệ mất xương thấp hơn nữ giới. Cho nên gãy xương do loãng xương ở nam giới thường xảy ra ở tuổi tương đối cao (trên 70%).
Một yếu tố đặc biệt quan trọng là hậu quả gãy xương ở nam giới. Điều này thường nghiêm trọng hơn ở giới nữ. Theo thống kê, có khoảng 30% đàn ông chết trong vòng một năm sau khi bị gãy xương vùng hông. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 12% khi đối với nữ giới.
Cũng theo kết quả từ Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM, hơn 50% nam giới không biết rõ nguyên nhân bị loãng xương ngoài vấn đề về tuổi tác. Trong suốt cuộc đời, cơ thể con người luôn tạo ra mô xương mới để thay thế cho mô xương cũ. Đây được xem là quá trình đào thải thông qua chu chuyển xương.
Ở độ tuổi từ 20 đến 30, khối lượng xương đạt khối lượng cao nhất. Đây được xem là nguồn dự trữ khoáng chất quý báu cho suốt cuộc đời sau này. Nhưng khi lớn tuổi, các tế bào tạo xương bị lão hóa, các hormone sinh dục giảm thấp. Do đó, việc hấp thụ can-xi và vitamin D cũng bị giảm sút dẫn đến bệnh loãng xương. Chính vì vậy mà tình trạng loãng xương càng nặng nề nếu như ở tuổi trưởng thành khối lượng không đạt đỉnh.
Lee Dao (Theo tuoitre)