Hôm nay chúng ta sẽ "vạch mặt" những lối suy nghĩ và biểu hiện cơ bản nhất của người nhút nhát. Thành thật nhé, bạn thấy bản thân mình giống với bao nhiêu điều dưới đây?
Những suy nghĩ tiêu cực chỉ tổ làm nỗi lo của bạn tăng lên
Đúng vậy, bạn càng tạo cho mình những suy nghĩ không tốt thì chỉ càng làm bản thân lo lắng hơn. Hậu quả cho việc làm này là bạn thường xuyên trốn các dịp giao lưu, gặp mặt, rời các bữa tiệc sớm hay bất ngờ chấm dứt cuộc nói chuyện vì lo là mình lại chẳng may vạ mồm.
Việc làm này không may lại tạo ra một nghịch lý: bạn có thể sẽ bớt lo ngay lúc đó, nhưng bạn sẽ chỉ khiến mình nhát hơn về lâu về dài. Càng tránh các cuộc tiếp xúc chỉ khiến bạn càng lo lắng hơn về nó, đơn giản vì bạn chưa bao giờ cho bản thân mình cơ hội để thử xem thật ra thì nó có đáng sợ đến vậy không. Bạn không có cách nào để đối diện với nỗi bất an của chính mình và học cách kiểm soát nó. Lời khuyên của tôi dành cho bạn trong 2 trang A4 tiếp theo đây không nằm ngoài mấy dòng chữ:
“Nhảy đi, rồi bạn sẽ biết cái hang thỏ sâu tới đâu”
Những lầm tưởng và biểu hiện phổ biến TRƯỚC KHI giao tiếp
Lầm tưởng #1: Chỉ có một cách duy nhất để giao tiếp
Những người nhút nhát thường nghĩ rằng bản thân phải rất hướng ngoại hoặc có bằng MC mới đủ lực mà giao tiếp với người khác. Lầm to. Thật ra, giao tiếp tốt đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn là mấy tay choai choai chẳng làm được gì ra hồn ngoài việc chém gió thao thao bất tuyệt. Nếu bạn ít nói, tốt thôi, việc đó cũng chả ảnh hưởng gì nhiều đến hình ảnh của bạn cả. Bạn có thể xây dựng cho mình một hình ảnh chững hơn một chút, tập cách lắng nghe và trả lời chừng mực, học cách đặt câu hỏi và thỉnh thoảng chêm vào vài câu bông đùa đúng lúc. Và chỉ thế thôi. Người ta không đo độ hấp dẫn bằng bao nhiêu từ bạn bắn ra mỗi phút đâu, quan trọng là bạn bắn ra cái gì kia.
Lầm tưởng #2: “Nếu ai đó muốn nói chuyện với tôi, dĩ nhiên là họ sẽ bắt chuyện với tôi trước”
Thực tế thì những người xung quanh bạn còn chẳng bận tâm đến việc phải đi bắt chuyện với người khác. Nói đơn giản thế này, họ có công việc và bạn bè của họ, và bạn mong chờ rằng họ sẽ để tâm đến việc nói chuyện với bạn sao? Cũng có thể là họ muốn, nhưng chuyện đó chả quan trọng tới mức họ phải chủ động làm. Một kịch bản tươi sáng hơn nhé: họ muốn nói chuyện với bạn, nhưng khổ nỗi họ cũng ngại như bạn vậy, họ sợ phải bắt đầu trước một điều gì đó. Đôi khi, chính bạn mới phải là người chủ động.
Lầm tưởng #3: Sẽ luôn có “cơ hội thứ hai” để tạo “ấn tượng đầu”
Đây là một suy nghĩ khá phổ biến, đáng tiếc là nó rất khó xảy ra. Người ta có thói quen đánh giá bạn trong vài giây đầu gặp mặt, cho dù họ có thích bạn hay không. Và một ấn tượng tồi sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội bạn gặp gỡ bạn/người yêu/đối tác mới. Chính bởi nỗi lo này khiến bạn liên tục trì hoãn cuộc gặp gỡ và bền gan bền chí chờ thời cơ- cái thời điểm mà bạn nghĩ rằng mình cực kì phong độ và đối phương thì lại đang cực kì vui vẻ chẳng hạn- đáng tiếc, sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Tốt hơn hết là bạn nên thư giãn, bước một mạch tới và nói những gì cần nói. Chờ thời cơ sao? Làm ơn đi, lần sau nếu họa hồ có xảy ra thì tôi dám chắc bạn cũng sẽ có lý do cho một cơ số những lần sau nữa.
Lầm tưởng #4: Tự kết luận rằng tất cả là do mình
Đây còn gọi là kiểu suy nghĩ “tất-cả-là-tại-tui”. Những người có thói quen nghĩ kiểu này sẽ tự động tin rằng khi một cuộc nói chuyện bắt đầu tệ đi thì anh ta chính xác là nguyên nhân của vấn đề. Đây là suy nghĩ phổ biến, người ta hay có xu hướng nhận lỗi để tránh bị người khác phê phán mình. Hành động theo kiểu “tui là người có lỗi” thực chất là một cơ chế tự bảo vệ. Trong đầu họ sẽ xuất hiện suy nghĩ theo hướng “tui biết mà, tui lại làm hỏng mọi chuyện nữa rồi đúng chứ?”. Họ quay về chính xác cái nỗi lo ban đầu của mình và cái suy nghĩ “tất-cả-là-tại-tui” xuất hiện như một cách bào chữa cho bản thân. Thật sao? Bạn nghĩ ai mà muốn đi bên cạnh một người lúc nào cũng thường trực suy nghĩ mình yếu kém chứ?
Nếu anh ta ngồi xuống và suy nghĩ cho thấu đáo, anh ta hẳn sẽ dễ nhận ra là không phải lúc nào cũng là tại mình, rất có thể là do đứa khác. Nhưng dù cho có tại ai đi nữa thì cuộc đời vẫn tiếp tục và sẽ rất, rất nhảm nhí nếu bạn cứ đổ hết lỗi lên đầu mình như vậy.
Những lầm tưởng và biểu hiện phổ biến TRONG KHI giao tiếp
Biểu hiện #1: Họ là những người cực kì “tự nhận thức”
Các chuyên gia tâm lý học đưa ra kết luận rằng: những người nhút nhát thật ra rất yêu bản thân mình. Nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng tôi sẽ chỉ cho bạn thấy kết luận trên có lý như thế nào.
Họ, không phải dạng ganh đua cố gắng để trở thành trung tâm của đám đông (ý nghĩ về chuyện đó thôi cũng đủ gây hoảng rồi), họ cố gắng trở thành trung tâm của chính đầu óc mình. Những người nhút nhát ý thức rất cao về bản thân mình, thậm chí là nhạy cảm thái quá. Họ luôn thường trực suy nghĩ kiểu: Tui trông thế nào? Lúc nãy tui nói vậy có hay không? Tụi nó có biết là tui đã rất căng thằng không? Tụi nó có thích tui không? Tui có nói gì sai không?....
Họ càng tốn công tốn sức để ý đến suy nghĩ và hành xử của bản thân, họ chỉ tổ rước thêm lo lắng, và như thế thay vì nên tập trung vào người đối diện thì họ lại hướng sự tập trung quá nhiều vào chính bản thân mình. Họ cố gắng tạo ra một hình tượng đẹp đẽ cùng với phong thái tự tin, gồng gánh bản thân trong suy nghĩ do chính mình tạo ra và vô tình làm những trò con bò trước mặt người khác. Đúng chứ? Bạn có cái cảm giác rằng mình đang bị cưỡng ép khi phải giao tiếp và có gì đó sai sai đúng không? Bạn không tự nguyện và đơn giản là bạn không thích. Và tất cả những thứ đó đều bắt đầu từ việc bạn suy nghĩ quá nhiều tới những thứ không cần thiết về chính mình.
Biểu hiện #2: Có cả đống người đang chú ý đến tui.
Như chúng ta đã nói, những người nhút nhát có xu hướng thu mình vào trong và tập trung cao độ vào nỗi lo của mình. Nhưng ngay sau đó họ lại lạc vào những giả định rằng người xung quanh có đang đế ý đến sự lo lắng của họ không và liệu có ai đánh giá hay nói xấu họ không?
Nhưng đây là thực tế: mồ hôi tay và sự căng thẳng không dễ gì bị nhìn thấy được. Kể cả khi bạn biểu hiện hai thứ đó ra ngoài quá rõ ràng, hầu hết mọi người vẫn đang bận lo cho chuyện của mình và không hơi sức đâu đếm mồ hôi giùm bạn. Và dù cho đi nữa, dù cho thôi nhé, bạn có bị ai đó phát hiện ra, họ cũng sẽ không suy nghĩ nhiều tới mức đó đâu và sẽ lại tập trung làm chuyện của mình thôi.
Nói thế này cho dễ hiểu, có bao giờ bạn phát hiện ra thằng bạn bên cạnh mình đang đổ mồ hôi hay đang lo sốt vó lên không? Nếu có đi nữa, bạn có đánh giá nó là thằng bạn tồi chỉ vì nó hơi nhát không?
Những lầm tưởng và biểu hiện SAU KHI giao tiếp
Thói quen “tương tư” về những thứ tiêu cực:
Những người nhút nhát thường dấn thân vào lối suy nghĩ không mấy hay ho về cảm giác có lỗi, những lầm tưởng sai lệch sau một cuộc nói chuyện. Đầu tiên họ sẽ nghiền ngẫm lại đoạn hội thoại trước đó, nhưng chỉ tập trung vào những gì họ nghĩ mình làm sai và tua đi tua lại những sự kiện dở hơi. Vấn đề với chuyện này là họ thường không có đủ thông tin để hiểu được chính xác nguyên nhân của vấn đề.
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng người nhút nhát ý thức về bản thân họ tới nỗi họ không có khả năng nắm bắt toàn bộ chi tiết diễn ra bằng người khác. Họ tập trung vào những suy nghĩ bên trong của chính mình và dễ dàng bỏ qua những gì đang thật sự xảy ra. Và vì thiếu thông tin rõ ràng, họ thường lấp đầy những nghi ngờ của mình bằng những “sự thật” dựa trên cảm xúc tiêu cực mà mình suy diễn ra.
Chỉ vì bạn cảm thấy xấu hổ về một việc gì đó, hoàn toàn không có nghĩa là bạn là nguyên nhân khiến người ta sẽ nghĩ xấu về bạn. Đổ lỗi cho bản thân thì dễ lắm, nhưng thỉnh thoảng bạn cũng nên để những thứ xung quanh bạn lên tiếng chứ.
Thân mời bạn đón đọc phần 3 được viết vào tuần tới. Chúng ta sẽ cùng nói về cách nhổ cỏ tận gốc vấn đề mà bạn đang gặp phải. Giai đoạn nhút nhát của cánh đàn ông tốt hơn hết nên chấm dứt dần là vừa rồi!
Minh Thức