Đàn ông thường cho rằng phụ nữ hiện nay thực dụng nhưng sự thực dụng đó một phần là do chính định kiến giới từ bản thân họ.
Định kiến giới đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội Việt Nam bởi phần đa chúng ta chấp nhận nó nên trong suy nghĩ của số đông, đó không phải là định kiến mà là trật tự. Nó hình thành từ thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, đưa chế độ mẫu hệ (matriarchy) ở Văn Lang về chế độ phụ hệ (patriarchy) như ở Trung Hoa. Từ đó chúng ta có những định kiến giới khá tương đồng với các nền văn hóa khác trên thế giới từ người Celt, người Hy Lạp, La Mã cho đến văn hóa của người Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập, Ấn Độ…
Có đôi chút khác biệt là người phụ nữ Việt Nam không bị khinh miệt ở mức cực đoan. Luật Hồng Đức nhà Lê quy định người con gái trưởng có vị trí về pháp luật và tôn giáo như một người con trai trưởng. Sự khác biệt trong định kiến giới của Việt Nam chỉ bắt đầu rõ nét từ thế kỷ 19, khi phong trào đòi bình đẳng giới bắt đầu được nhen nhóm.
Bất chấp sự kêu gọi bình đẳng, định kiến giới vẫn ăn sâu vào 1 bộ phận đàn ông Việt Nam (Ảnh: Internet)
Ngày nay, chế độ phụ hệ không còn công khai tồn tại, nhưng trong xã hội hiện đại, đàn ông Việt Nam vẫn được dạy từ bé những điều như: Đàn ông phải là trụ cột, đàn ông phải mạnh mẽ, đàn ông phải biết uống rượu, đàn ông phải thích xe máy, ô tô… Ở mức độ cao hơn, người ta cho rằng đàn ông mới xứng đáng làm lãnh đạo, công việc của đàn ông là gây dựng sự nghiệp chứ không phải chăm sóc gia đình… Ngược lại, chỗ đứng của phụ nữ cũng được “trật tự” xã hội sắp xếp, đó là phải chăm sóc con cái, vun vén cho gia đình, phải phục vụ nhà chồng…
Phải chăng đàn ông Việt Nam nên cảm thấy hài lòng với “trật tự” này bởi mình đang ở vế được coi trọng? Vậy việc đòi hỏi người đàn ông phải chu cấp đủ điều kiện vật chất cho bạn gái, vợ và con cái có đáng bị lên án?
Trên thực tế, định kiến giới trong xã hội hiện đại gây bất lợi cho cả nam và nữ bởi phân công lao động của hai giới trong cuộc sống không còn đơn giản như trước mà buộc phải đan xen, kết hợp nhiều vai trò.
Định kiến này góp phần làm tăng thêm gánh nặng cho người đàn ông còn phụ nữ thì thêm thực dụng (Ảnh: Internet)
Có bao giờ bạn muốn làm quen với người con gái mà mình thích nhưng lại chột dạ vì mặc cảm về điều kiện vật chất? Bạn có từng bị gia đình người yêu phản đối chỉ vì bạn nghèo, vì họ muốn con gái tìm được chỗ để nương tựa? Có khi nào bạn muốn thỏa ước mơ trở thành họa sĩ truyện tranh hay nhà nghiên cứu triết học nhưng vẫn phải tặc lưỡi quay lại bàn làm việc nơi công sở vì biết rằng những công việc đó không thể cho bạn thu nhập tương xứng với một “trụ cột gia đình”?…
Có những khi bạn biết người bạn gái, người vợ của mình có khả năng giúp tăng thu nhập gia đình nhưng vẫn bắt họ làm những công việc làng nhàng để có thời gian… nội trợ. Rồi bạn sợ hãi và trở nên nhỏ nhen vì thấy người bạn đời của mình quyết tâm lấy được học vị cao hơn chồng hoặc ngượng nghịu chỉ vì người khác thấy mình rửa bát, nấu cơm thay vì thấy bạn gái hay vợ mình làm việc này.
Hãy thật cởi mở với người bạn gái, người vợ của mình về những đam mê của cả hai và tìm cách sắp xếp thời gian để cả hai hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nếu hạnh phúc của một người đàn ông là chăm sóc gia đình để vợ phát triển sự nghiệp thì tại sao lại phải áp đặt theo hướng ngược lại khi cả hai cùng biết người vợ có khả năng gặt hái thành công hơn?
Hãy xóa bỏ định kiến, chia sẻ cùng nhau mọi việc để cuộc sống hạnh phúc hơn (Ảnh: Internet)
Và hãy bắt đầu ngay việc chia sẻ công việc hay chi phí với người khác giới. Phân công lao động và chia sẻ chi phí là những việc làm khoa học và hợp lý. Hãy cho mọi người biết rằng ai cũng phải lao động, ai cũng phải chi trả chi phí nếu muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và lâu bền. Nếu điều này là hợp lý, tại sao lại phải làm những điều không hợp lý như gánh vác mọi trách nhiệm về vật chất chỉ đề “chiều lòng” xã hội hay một cô gái không biết cân nhắc đến đúng sai và chỉ thích hành hạ đàn ông?
Sẽ không dễ dàng để thoát khỏi định kiến giới. Đàn ông Việt Nam với vị trí được cho là có lợi hơn trong những định kiến này, sẽ là những người phù hợp để bắt đầu làm việc này. Dù sao xã hội Việt Nam cũng đang ngày càng cởi mở và nền tảng địa vị của phụ nữ cũng không quá thấp nên công cuộc thay đổi sẽ không đến mức khắc nghiệt. Nếu bạn không muốn giam hãm bản thân trong những áp lực vô lý của xã hội, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay.
Theo namplus.vn