Bật hay không bật quạt khi tập gym, thể hình phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Trước hết, các bạn hãy đọc kỹ để hiểu rõ tác động của quạt gió đối với cơ thể khi chúng ta tập luyện.
Không bật quạt, để cơ thể quá nóng
Khi bạn tập luyện, cơ sinh ra nhiệt làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, cộng với nhiệt độ xung quanh cao, không có sự lưu thông của không khí, cộng hưởng lại sẽ làm gia tăng mức nhiệt của cơ thể.
Lúc đó cơ chế làm mát qua da hoạt động tối đa, mồ hôi tiết ra nhiều hơn để giảm nhiệt theo cơ chế bốc hơi. Máu nóng từ trong cơ thể được tăng cường tới da của bạn để giảm nhiệt rồi trở về làm mát bên trong cơ thể.
Mồ hôi tiết ra quá nhiều sẽ làm bạn mất nước, mất khoáng, làm bạn nhanh mệt. Mồ hôi là môi trường phát triển của 1 số loại vi khuẩn có hại gây biến chứng viêm da, bong da ... Mồ hôi còn làm việc tập tạ trở nên nguy hiểm hơn khi thanh tạ trơn trượt khỏi tay.
Máu được huy động quá nhiều tới da để làm mát sẽ làm giảm lượng máu được cung cấp cho cơ bắp, không hề tốt chút nào cho người tập thể hình vận động cơ bắp nhiều.
Để nhiệt cơ thể quá cao còn làm bạn dễ bị chuột rút, hút nhiệt và say nhiệt (say nắng).
Bật quạt mạnh, hướng thẳng vào người khi đang tập luyện
Trường hợp 1: Khi bạn đang tập luyện, cơ thể nóng lên và chạy mồ hôi, bạn bật quạt gió mạnh và thẳng vào người.
Làm như vậy, phần cơ thể được gió quạt thổi liên tục làm mồ hôi bốc hơi nhanh hơn, nhiệt độ giảm mạnh, lỗ chân lông và mạch máu dưới da co lại làm huyết áp phần này tăng lên.
Phần còn lại không được quạt mồ hôi bốc hơi chậm, nhiệt độ cao hơn phần bên kia, mạch máu giảm nở rộng, huyết áp phần này chênh lệch với bên kia.
Lúc này, tuần hoàn máu của cả cơ thể bị mất cân bằng, hệ thống bài tiết mồ hôi cũng bị đảo lộn, gây ra triệu chứng chân tay mất hết sức lực, váng đầu, đau đầu. Nặng thì trúng gió.
Trường hợp 2: Khi đang tập luyện ở vùng không có quạt, nóng, người ra đàm đìa mồ hôi ra, các mạch máu dưới da đang giãn nở hết cỡ. Đến tập ở chỗ có quạt mạnh thốc thẳng vào người, ngay lập tức, mồ hôi bốc hơi mạnh, nhiệt độ ngoài da giảm, các mạch máu co đột ngột.
Trong khi ở bên trong nhiệt chưa thay đổi kịp, vẫn rất nóng. Điều này cũng làm mất cân bằng cơ thể, có khi còn mạnh hơn cả trường hợp 1, có thể gây hoa mày, chóng mặt. Nặng thì choáng, ngất tại chỗ.
Vậy thì nên hay không nên bật quạt?
Câu trả lời là tùy từng trường hợp, bật hay không bật đều phải phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể ở phòng tập của bạn, vị trí bạn đang tập. Làm sao để tránh những yếu tố gây ảnh hưởng đến cơ thể được nêu như ở trên. Chứ không thể khuyên là nên hay không nên được.
Ở các phòng tập VIP có hệ thống điều hòa, làm mát, quạt gió theo tiêu chuẩn quốc tế, các quạt được bố trí với luồng gió nhẹ, phân tán đều, có bổ sung khí ngoài trời thì không nói làm gì.
Ở các phòng tập bình dân, nếu phòng rộng rãi, thoáng khí, có đối lưu không khí với bên ngoài, nhiệt độ trong phòng không quá cao thì có thể không cần bật quạt. Hoặc có bật thì nên để số nhẹ nhất và để quạt quay.
Nếu các quạt điện được bố trí cố định, thốc thẳng vào chỗ tập của bạn thì tốt nhất là đừng bật. Tác hại không lường hết được. Cách xử lý tốt nhất là tập xong 1 hiệp các bạn đi lại nhẹ nhàng ra chỗ khác vừa thư giãn cơ bắp vừa thoáng khí.
Nếu phòng chật hẹp, không thoáng khí và nóng thì nên bật, bật số vừa phải, không để hướng vào vị trí dụng cụ tập, bạn cũng không nên đứng dưới luồng gió khi đang tập. Chỉ nên đứng dưới quạt sau khi đã nghỉ ngơi 1 lúc.
Khi tập, bạn cũng nên chú ý tránh tập, đi qua hoặc đứng dưới luồng gió quạt quá mạnh.