Bệnh này có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, và tỷ lệ nam giới mắc bệnh này nhiều hơn nữ. Nguyên nhân nam giới hay mắc thoát vị bẹn là do vùng bẹn là điểm có một khe hở nhỏ trước kia là đường để hột tinh hoàn tụt xuống nơi ở cố định là túi bìu. Thường thì đường này chỉ còn có các mạch máu đi qua để nuôi dưỡng cho tinh hoàn. Tuy nhiên nếu lỗ bao quanh động mạch không kín hoặc quá yếu, một đoạn ruột có thể lọt vào và thoát ra ngoài ổ bụng xuống bìu gọi là thoát vị bẹn. Hiện tượng này dễ xảy ra với người già hơn vì các cơ thành ổ bụng yếu dễ sa xuống phía dưới. Thoát vị bẹn thường chỉ ở một bên, vì khi bạn làm việc nặng thường bên nào bị kéo căng rồi không co lại thì bên đó sẽ bị thoát vị.
Người cao tuổi do các cơ thành ổ bụng yếu, những người hay làm việc nặng nhọc, người táo bón kéo dài do áp lực thường xuyên tại ổ bụng cao...Ngoài ra, những người mắc các bệnh như u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc... có nguy cơ dễ bị thoát vị bẹn.
Khi bị thoát vị bẹn, người bệnh thấy tức nặng ở vùng bẹn bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Bìu này càng to thêm khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, nằm nghỉ khối phồng nhỏ lại hoặc mất hẳn.
Thoát vị bẹn có thể điều trị khỏi nếu điều trị sớm và không ảnh hưởng gì tới việc có con. Hiện nay phương pháp điều trị thoát vị bẹn là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ “vá” lỗ hổng ở thành bụng hoặc mổ đặt mảnh ghép nhân tạo vào diện yếu của vị trí thoát vị. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị muộn thoát vị bẹn có thể gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột. Đây là trường hợp ruột hoặc mạc treo của ruột không chạy vào lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời thì ruột và mạc treo ruột sẽ bị hoại tử. Đây là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất.
Ngoài ra, còn gặp biến chứng thoát vị kẹt, do tạng thoát vị chui xuống nhưng không đẩy lên được do dính vào túi thoát vị hoặc do tạng trong túi dính với nhau. Thoát vị kẹt thường gây cảm giác vướng víu và dễ bị chấn thương hơn; Chấn thương thoát vị, do khối thoát vị lớn và xuống tương đối thường xuyên, bị chấn thương từ bên ngoài gây nên dập, vỡ các tạng bên trong...