Tập fitness trong boxing – làm thế nào để có cơ thể vừa đẹp mà lại khỏe mạnh, hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố quan trọng trong thể thao đối kháng: sức mạnh, sức bền và ý chí.
Tất cả chúng ta khi bước vào phòng Gym đều mơ ước tới một body khỏe mạnh, ngực nở hay bụng 6 múi, và tất nhiên, chúng ta cũng sẽ phải cực nhọc rất nhiều để có được một cơ thể như mình mong muốn.
Nhiều người trong chúng ta để hiểu lầm rằng có được một cơ thể đẹp thì đương nhiên đó cũng là một cơ thể khỏe mạnh. Cuồn cuộn chưa chắc đã khỏe thật sự. Khỏe ở đây không phải là có thể đẩy 100kg tạ mà khỏe ở đây chính là sự bền bỉ, dẻo dai của cơ thể, cùng với đó là các múi cơ săn chắc, khỏe mạnh có thể chống đẩy tính theo phút hay là lên xà một là 40, 50 cái. Boxing hội tụ tất cả những thứ mà tất cả những người đàn ông theo đuổi: Thể lực bền bỉ, cơ bắp săn chắc và võ nghệ cao cường.
Thể lực
Với thể thao, việc tập luyện thể lực là cực kỳ căn bản. Nếu không có thể lực, bạn sẽ chỉ mang tính chất “chơi” thể thao mà thôi. Trong boxing, thể lực đóng vai trò quan trọng trong các trận đấu mà các đối thủ có trình độ không quá chênh lệch nhau, buốc phải kéo dài 12 hiệp (nghiệp dư thì sẽ là 3 hiệp). Việc tập thể lực trong boxing bao gồm các bài tập về chạy bền, chạy biến tốc, bật cóc, chống đẩy, kéo xà. Các bài tập nặng như đeo tạ nhảy dây, đẩy xe bò, chạy bền kết hợp biến tốc, ... Nếu bạn là người tập boxing không chuyên thì nên chú ý đặc biệt tới phần chạy: chạy bền và chạy biến tốc giúp tăng thể lực và rèn ý chí.
Bạn có thể chạy vào buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7: từ thứ 2 đến thứ 5 là chạy biến tốc còn 2 ngày còn lại là chạy bền. Khi chạy biến tốc bạn nâng dần cự ly từ 100m, 200m tới 500m. Còn chạy bền thì đơn giản rồi, ít nhất là phải 5km. Nếu thể lực bạn không tốt, hãy nâng dần dần từng mức 100m mỗi ngày, đó làm một cách rèn luyện ý chí vô cùng hiệu quả. Khi chạy hãy cố gắng chạy bằng mũi chân, nắm đấm chặt không xòa, vai thả lỏng và khép nách.
Các bài tập phòng Gym
Về cơ bản, tập Fitness trong boxing có những đặc thù về tốc độ tập và khối lượng tập như sau: Việc tập nặng chỉ cần thiết khi cần tăng cơ bắp, nó chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn chứ không kéo dài. Tập nặng quá lâu sẽ làm cơ phồng to, làm cho chuyển động chậm chạp và mỏi hơn hẳn. Bạn để ý sẽ thấy rằng các tay đấm quyền anh không có vai u thịt bắp như vận động viên fitness, thể hình. Họ muốn giữ cho cơ bắp của mình vừa chắc chắn, khỏe mạnh nhưng cũng phải linh hoạt, bền bỉ vì cơ bắp của họ phục vụ cho việc chiến đấu chứ không phải để biểu diễn.
Hãy cố gắng tập luyện xà đơn, xà kép, chống đẩy, kéo xô mỗi ngày. Đó là những bài tập vô cùng quan trọng trong boxing. nó làm cho cơ khỏe đến kinh ngạc, nhưng lưu ý là các bạn phải làm thật nhanh nhé.
Nếu bạn đã xác định tập boxing một cách tử tế thì đừng quá chú trọng vào tập tạ. Đẩy một sức nặng vừa phải nhưng phải nhanh và chia thật nhiều lần. Tập cơ bụng cũng vậy, cơ bụng đẹp mà đấm một cái ôm bụng nằm luôn thì đó cũng chỉ là hình thức mà thôi.
Ngoài ra, việc tập boxing có ưu tiên hàng đầu là tốc độ, các bài tập như nhảy dây hay đấm gió, đấm năm sẽ giúp ích nhiều trong việc giảm cân. Hãy xem các clip các vận động viên nhảy dây, nó khác với việc nhảy dây khi tập thể dục, nó không chỉ đốt mỡ mà còn giúp cổ chân bạn dẻo dai và bắp chân phát triển.
Cuối cùng, bạn đừng quên những chấn thương như căng cơ, mỏi cơ hay tập quá sức. Cái gì đến nhanh thì sẽ càng dễ đi, cơ bắp nhanh to thì sẽ chảy nhanh nếu bạn nghỉ tập trong thời gian ngắn. Boxing đi vào cái cốt lõi của cơ thể, đó là sự khỏe mạnh thật sự.
Theo Mannup