Nếu chồng khiến vợ sợ hãi không dám trái lời, hoặc không bao giờ dám mở miệng để “phản bác” ý kiến của chồng, gia đình đó sẽ rơi vào bi kịch. Và thật tội nghiệp cho người phụ nữ ấy. Bởi họ sẽ luôn sống trong sự mệt mỏi, ấm ức. Thậm chí, nó có thể đẩy người phụ nữ đến những hành động tội lỗi mà người khác khó có thể tha thứ.
Ngược lại, nếu chồng luôn “sợ vợ” để cho “ấm êm cửa nhà” thì cuộc đời của người đàn ông ấy cũng trở thành bi kịch. Họ trở thành người thụ động, không dám bày tỏ quan điểm. Đau khổ hơn, họ sẽ trở thành “chủ đề” bàn tán, mỉa mai, chế giễu của bạn bè mỗi dị trà dư tửu hậu.
Nhưng người vợ cũng chẳng sung sướng gì. Một người phụ nữ phải gánh vác, lo toan mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Phải quyết đáp, mọi vấn đề từ đối nội đến đối ngoại không hề đơn giản chút nào.
Sợ vợ đôi lúc khiến cho đàn ông mất đi bản lĩnh của mình (ảnh: Internet)
Đặc biệt, con cái của những cặp vợ chồng “sợ nhau” rất dễ rơi vào hai trạng thái mang tính tiêu cực: Hoặc coi thường mẹ, chỉ nghe ý kiến của bố hoặc chỉ nghe lời mẹ mà bỏ qua những gì bố nói. Ai là người có tiếng nói quyết định, người ấy sẽ chiếm được tình cảm và sự tôn trọng của con cái và ngược lại.
Như vậy, trong một gia đình, khi vợ sợ chồng hoặc chồng sợ vợ đều không đem lại những hiệu ứng tích cực. Nó đều đẩy gia đình đó đến những bi kịch theo cách này hay cách khác. Và đương nhiên, sẽ không có một hạnh phúc trọn vẹn khi mà các thành viên trong gia đình phải nhìn thái độ của người khác để “sống”.
Nhiều người cho rằng các thành viên trong gia đình phải biết sợ một ai đó. Như vậy mới có thể duy trì được “trật tự” trong gia đình. Nhưng liệu trong gia đình có thực sự cần một thứ “trật tự” trên dưới, kẻ sợ hãi phục tùng, người trịch thượng ra lệnh, điều hành hay không?
Liệu sợ một trong hai sẽ khiến cho gia đình êm ấm, hạnh phúc ? (ảnh: Internet)
Thực ra, vợ và chồng là những người đồng hành trên con đường hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là một cuộc hành trình dài. Vợ và chồng cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ nhau trên bước đường đời. Vợ chồng là điểm tự của nhau, cùng vịn vào nhau để chống chọi với những giông gió, những tai ương của cuộc đời. Sự đồng thuận của vợ chồng có sức mạnh “khủng khiếp” giúp họ làm được những điều kỳ diệu.
Điều quan trọng nhất trong quan hệ vợ chồng là sự tôn trọng lẫn nhau. Cả vợ và chồng cần biết lắng nghe nhau, thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi niềm, những suy nghĩ của nhau. Chỉ khi có sự đồng cảm và chia sẻ, thì vợ và chồng mới thực sự là “một nửa” của nhau. Sự đồng điệu trong tâm hồn, suy nghĩ và thể xác sẽ giúp các cặp vợ chồng vượt qua những khó khăn để đến được bến bờ hạnh phúc.
Không chỉ quan hệ vợ chồng, cũng không nên tạo ra những khoảng cách khiến con phải sợ cha mẹ. Bởi khi có cảm giác sợ, con trẻ sẽ rất khó để bộc lộ hết những suy nghĩ của mình. Việc không hiểu con chính là một thất bại khủng khiếp của những người làm cha, làm mẹ. Thay vì là chỉ huy, hãy trở thành bạn của con, cùng con chơi đùa, lắng nghe những suy nghĩ, băn khoăn của con để tìm ra cách giáo dục tốt nhất.
Tóm lại, sẽ là sai lầm nếu cố làm cho “một nửa của mình” phải sợ mình. Thay vào đó, hãy tìm kiếm ở nhau sự tôn trọng, sự thấu hiểu và chia sẻ. Chỉ khi đó gia đình mới thực sự hạnh phúc.